Tại sao phải là “Đào, phở và piano”?

Trước thông tin bộ phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn sẽ được phát sóng vào 21h20 ngày 13/10 trên kênh VTV1, cũng như trước đó, bộ phim đã được chọn là đại diện chính thức của Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển giải Oscar lần thứ 97. Sơn Kantech xin chia sẻ thêm một số thông tin thú vị về bộ phim.

Mặc dù chưa có cơ hội được xem chọn vẹn, chỉ lướt qua một vài trích đoạn trên mạng xã hội, cũng như nghe đồng nghiệp kể lại nhưng tôi đã dành tình cảm đặc biệt cho bộ phim. Thấy “Đào, phở và piano” sắp đựơc phát sóng rộng rãi nên tôi khá tò mò. Qua tìm hiểu của bản thân cũng muốn tổng hợp và chia sẻ một cách dễ hiểu nhất để bạn đọc quan tâm nắm được.

Lý do khiến đạo diễn Phi Tiến Sơn làm phim “Đào, phở và piano”.

Đạo diễn chia sẻ lý do viết kịch bản và thực hiện bộ phim do ông được sinh ra trên mảnh đất Hà Nội. Mảnh đất đã cưu mang, bao bọc và chứa đựng nhiều kỷ niệm về gia đình, người thân, bạn bè của ông.

Trước thắc mắc của khán giả, đạo diễn Phi Tiến Sơn giải đáp trên truyền thông: “Ba khái niệm này rất điển hình. Hoa đào nở vào mùa xuân đã rất là Hà Nội. Phở thì nhiều nơi có, nhưng bao giờ khái niệm phở Hà Nội cũng rất đặc biệt. Piano trong giai đoạn lịch sử ấy thấy văng vẳng đâu đó từ cửa sổ các căn nhà, có lẽ chỉ có ở các thành phố lớn như Hà Nội”. Ba thứ tưởng như không liên quan nhưng đặt cạnh nhau lại chính là những nét đặc trưng, Hà Nội nhất thời kỳ bấy giờ.

Người Hà Nội trong phim hiện lên hào hoa với thú ăn, chơi và yêu cái đẹp. Cuối cùng, đúng với tinh thần của phim là trong hoàn cảnh khốc liệt như vậy, cái đẹp không vì bom đạn mà mất đi.

Ý nghĩa của phim.

“Đào, phở và piano” là câu chuyện về tình yêu Hà Nội và phẩm chất nghĩa khí của người Hà Nội được đạo diễn Phi Tiến Sơn ấp ủ kịch bản trong 10 năm.

Bộ phim không chỉ kể về chiến tranh mà còn ghi lại mối tình nồng nàn của anh cảm tử quân tên Văn Dân (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành tên Thục Hương (Cao Thị Thuỳ Linh). Họ lạc nhau trong cuộc chiến và khi tìm được nhau trên chiến lũy, đôi tình nhân chỉ còn lại vài tiếng đồng hồ để kịp tận hưởng cuộc sống vợ chồng. Ông họa sĩ già (Trần Lực) mong để lại bức tranh giá trị cho đời; vợ chồng hàng phở mong nấu nốt nồi phở trước khi đi sơ tán…

Đạo diễn Phi Tiến Sơn lý giải rằng họ ở lại Hà Nội vì yêu chiến lũy, yêu mảnh đất này và mỗi người đều có một đam mê, khát khao riêng níu kéo. Người đam mê đào, người đam mê tranh, cây đàn, người lại chọn ở lại vì tôn giáo. Người lại say sưa nấu một nồi phở, nấn ná chưa chịu đi tản cư để mang đến chiến lũy vắng bởi suy nghĩ: “Tây hay ta cũng đều thích ăn phở”.

Trận chiến đã được miêu tả rất kinh khủng, cái chết đang đến gần khi quân ta rút đi, nhưng không ai rời Hà Nội. Sự đam mê về cuộc sống, tình yêu, văn hóa, ẩm thực… làm cho họ vượt qua cái chết một cách bình thản, có lẽ đơn giản vì tình yêu Hà Nội.

Bối cảnh phim.

Phim tái hiện trận chiến Đông Xuân kéo dài 60 ngày từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội.

Bối cảnh phim tuy chỉ diễn ra trong một ngày đêm nhưng có thể khẳng định, đạo diễn đã thành công trong việc khắc họa một Hà Nội từ gần 80 năm trước, cùng cả nước dũng cảm chống lại kẻ thù xâm lược theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Đó là một Hà Nội hào hùng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một Hà Nội mạnh mẽ, can trường với nhiều tầng lớp nhân dân, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay tôn giáo…

Mỗi nhân vật trong phim như vợ chồng hàng phở, cha xứ, ông họa sĩ, ông phán, cậu bé đánh giày… mang theo câu chuyện riêng. Họ chọn ở lại chiến lũy trong một ngày mà thời khắc lằn ranh sinh tử dần hiện rõ.

Chi phí làm phim.

Với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, trường quay được phục dựng là khu phố cổ dài 120 m, đặt tại doanh trại bộ đội cũ cạnh hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc). Các dãy nhà, đạo cụ cho tới bối cảnh được 60 người tham gia thiết kế và thi công trong nhiều tháng.

Đọc những thông tin thú vị trên, hy vọng bạn hãy vui lòng thả tim, like và share bài viết cho nhiều người cùng đón nhận, để thêm yêu bộ phim hơn nhé.